Bắc Giang: Làng chài “sống không đất ở, chết chưa đất chôn”?

    Hơn 150 gia đình không tấc đất cắm dùi. Hàng trăm phận người mỏng manh, lênh đênh trôi dạt theo sông nước. Nghề nghiệp bấp bênh nay đây mai đó khiến cuộc sống chưa bao giờ ổn định. Sống không có đất ở đã đành nhưng đáng lo hơn người dân Nguyệt Đức chưa chính thức có đất để làm nghĩa trang.

    Người dân không muốn lên bờ?

    Sau khi bài viết “Làng chài di động trên sông Cầu” được đăng tải, phóng viên Văn Hiến tiếp tục có các cuộc tìm hiểu và trao đổi với người dân cũng như chính quyền địa phương. Tiếp chúng tôi tại căn phòng nhỏ trong trụ sở xã đã xuống cấp, ông Nguyễn Trọng Hội – Chủ tịch UBND xã Vân Hà - cho biết, thôn Nguyệt Đức hiện có 180 hộ với khoảng 600 nhân khẩu. Chủ yếu người Nguyệt Đức làm nghề vận tải thủy, số còn lại làm nghề chài lưới nên những chiếc thuyền lớn thường đi sông dưới làm ăn, các thuyền nhỏ ở đây với đa phần là người già và trẻ em đang đi học. Thuyền đỗ hai bên bờ sông Cầu nhưng đa số thuyền đỗ ở bên kia sông (phường Vạn An – Thành phố Bắc Ninh - PV). Trẻ em một số ít ở cấp tiểu học học bên này còn đa phần học bên Bắc Ninh.

    “Làng chài thì có cái đặc thù, họ lên bờ thì cũng không quen với cuộc sống của họ. Xã cũng có chủ trương giãn dân, gọi là di cư nhưng mà thực sự thì người ta không muốn lên bờ, đất đai đến giờ cũng không có điều kiện. Mà nói thẳng vấn đề, nói đúng thực chất họ cũng chẳng muốn lên, người ta sống với nó là có tiền sử nghề sông nước cũng tương đối dài.” – Chủ tịch xã Vân Hà nói.

    Tuy nhiên khi trao đổi với trưởng thôn Nguyệt Đức, ông Hải cho phóng viên biết rằng Nguyệt Đức có 180 hộ với 606 nhân khẩu, hiện tại có chừng 30 hộ đã mua được đất dựng được nhà ở phía bên phường Vạn An – Thành phố Bắc Ninh, còn 150 hộ chưa có nhà chưa có đất. Ông Hải cũng như người dân Nguyệt Đức đã làm đơn để xin chính quyền cấp đất ở nhưng đến nay chưa được giải quyết. Ông Hải cũng hết sức mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm, bố trí cho người Nguyệt Đức sớm có nơi ở khang trang.

    Tất thảy người dân Nguyệt Đức đã tiếp xúc với phóng viên cũng đều bày tỏ niềm mong mỏi mau chóng được lên bờ có đất dựng nhà để ổn định cuộc sống, con cháu được học hành đàng hoàng. Ông Nguyễn Văn Vũ, người dân thôn Nguyệt Đức, cho biết, không có tiền mua đất đất dựng nhà, ông phải mua chiếc thuyền xi măng cũ giá 50 triệu đồng để thiết kế thành nhà ở cho cả gia đình 4 thế hệ với hơn chục người, trong đó có cụ già trên 70 tuổi bị lẫn và người em chú bị thiểu năng từ nhỏ. Không có tiền, ông và gia đình phải tích cóp có tới đâu làm tới đó, nay tổng cộng đã chi phí mất hơn 600 triệu đồng mà ngôi nhà di động vẫn chưa xong. Ông mời phóng viên cũng như chính quyền xuống thuyền ở một tháng xem có muốn lên bờ hay không

    NS Quang Tèo sinh đôi long phụng sau 13 năm chữa hiếm muộn: Sở hữu gia tài ‘khủng‘ tuổi 59
    Cách tiết kiệm xăng xe máy hiệu quả không phải ai cũng biết
    Quy định mới xử phạt loạt hành vi của “cò đất“, môi giới bất động sản

    “Thuê” đất để làm nghĩa trang

    Trao đổi với phóng viên, chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết, người dân Nguyệt Đức đã thuê đất, mua đất ở bên xã Hòa Long – Thành phố Bắc Ninh để làm nghĩa trang, chứ Nguyệt Đức không có nghĩa trang trên địa bàn hành chính xã Vân Hà. Xác nhận điều này, ông Hải – trưởng thôn Nguyệt Đức thông tin trước đây các cụ đã phải bỏ tiền ra mua đất ở vạt núi Quả Cảm để làm nghĩa trang chôn cất người quá cố.

    Không kìm nổi cảm xúc, Ông Chiến – một người dân Nguyệt Đức chạc 70 tuổi nói với phóng viên, các anh xem người Nguyệt Đức chúng tôi hộ khẩu thì là xã Vân Hà, sống thì trên sông Cầu, mưu sinh thì chạy khắp các sông, chết thì phải tự mua đất mà làm mộ trên núi Quả Cảm. Chẳng biết có ở đâu trên thế giới khổ như Nguyệt Đức không, chẳng biết có ngôi làng nào “sống không có chỗ ở, chết không có chỗ chôn” hay không nữa. Chính quyền không lo được chỗ ở cho người sống thì cũng nên lo chỗ chôn cất người chết chứ. – Ông Chiến bức xúc khi nói về nơi an táng của người Nguyệt Đức.
    Suốt hàng trăm năm qua, người Nguyệt Đức phải “ăn nhờ, ở đậu” trên sông nước. Họ không có đất không có nhà và phải tự lo nơi an nghỉ cho chính mình. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay phần đất trên vạt núi Quả Cảm mà người dân Nguyệt Đức bỏ tiền ra thuê và mua để làm nghĩa trang đã trở nên chật hẹp, hầu như không còn chỗ trống để chôn cất người quá cố. Nỗi lo về cái ăn chỗ ở đã đành là vậy nhưng nỗi lo về nơi an nghỉ sau khi nhắm mắt xuôi tay vẫn là bài toán khó với người Nguyệt Đức vì việc thuê hay mua đất để làm nghĩa trang bây giờ là không thể.

    Không còn quỹ đất để bố trí

    Bắc Giang: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới ở Hiệp Hòa
    Thông tin mới nhất về đợt gió mùa Đông Bắc đang tràn xuống: Gây rét hại kéo dài, khả năng xuất hiện mưa tuyết
    Quy định mới xử phạt loạt hành vi của “cò đất“, môi giới bất động sản

    Đề cập đến việc cấp đất ở cho người dân, ông Hội cho hay, người dân trong xã chủ yếu sống về nghề phụ, đất nông nghiệp có hạn, được 10 thước ruộng trên một người, đất thổ cư không có, ngay chính tại Vân Hà này không có đất để giãn dân, để bán cho những người có nhu cầu ở thôn Yên Viên và Thổ Hà. Việc giãn dân bán đất đem lại nguồn thu lớn cho nhà nước và xã cũng được hưởng 1% trong việc bán đất thì tội gì không bán cho bà con nhưng thực sự quỹ đất của xã không còn nữa.

    Ông Hội cũng chia sẻ thêm rằng, với cương vị người đứng đầu chính quyền xã, ông cũng rất băn khoăn và trăn trở về cuộc sống của bà con Nguyệt Đức nhưng vì quỹ đất của xã quá eo hẹp không có để bố trí cho bà con. Bản thân ông cũng như lãnh đạo xã Vân Hà đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp phù hợp để nhằm đưa người dân Nguyệt Đức lên bờ nhưng thực sự “lực bất tòng tâm”. Ông Hội ước giá như có được 1ha đất để làm đất giãn dân thì tốt biết mấy.

    Theo thống kê đăng trên cổng thông tin điện tử của huyện Việt Yên – tỉnh Bắc Giang (https://vietyen.bacgiang.gov.vn/node/4017) thì hiện tại xã Vân Hà có tổng diện tích 285,02ha trong đó: đất nông nghiệp là 134ha và đất phi nông nghiệp là 151,02ha. Như vậy, trong tổng diện tích xã Vân Hà, đất nông nghiệp chiếm 47%. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá đất tại các thôn Yên Viên và Thổ Hà được xem là khá cao (từ vài triệu đến trên chục triệu đồng một mét vuông đất tùy vị trí). Điều đó có nghĩa rằng, người Nguyệt Đức khó có thể có đủ tiền để mua đất làm nhà trên địa bàn xã Vân Hà. Nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ của chính quyền thì không biết đến khi nào 150 hộ dân ở thôn Nguyệt Đức mới có thể lên bờ.

    Văn Hiến sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này.
     

    create

    Phụng Thiên - Nhật Nguyên / vanhien.vn