Đậm đà hương vị giò bì phố Xuôi
Một món ăn đặc sản không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) chính là món giò bì phố Xuôi. Với những bí quyết gia truyền, món giò bì có hương vị vô cùng đậm đà, hấp dẫn, ai đã từng thưởng thức một lần thì nhớ mãi.
Cô Nguyễn Thị Thanh Lữ gói đặc sản giò bì Phố Xuôi
Để có được những chiếc giò ngon, người Phố Xuôi kỹ tính trong từng công đoạn, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, lá gói... Khi thịt được xay nhuyễn thành hỗn hợp kết dính, đủ độ bóng thì trộn bì lợn đã thái nhỏ và các loại gia vị. Lá chuối gói giò phải tươi, bánh tẻ và to bản. Công đoạn gói cũng vô cùng quan trọng, người thợ phải khéo léo chia giò đều và gói chặt tay để chiếc giò có hình thức đẹp…
Những ngày này, tại cơ sở sản xuất giò bì Dương Lữ luôn tấp nập khách đến đặt mua hàng. Cô Nguyễn Thị Thanh Lữ, chủ cơ sở cho biết: “Gia đình tôi làm nghề được hơn 30 năm. Những ngày giáp Tết, gia đình tôi sản xuất từ 5 – 6 tạ giò và trên 2.500 chiếc giò bì loại nhỏ, gấp khoảng 4 lần ngày thường. Do lượng hàng đặt lớn nên tôi phải thuê thêm 15 lao động và phục vụ sản xuất đến trưa 30 Tết”.
Những năm gần đây, những chiếc giò bì xinh gắn gói trong tấm lá chuối xanh xanh không chỉ được lòng người dân Hưng Yên mà còn được nhiều nơi biết đến, trở thành thứ quà đặc sản được nhiều người chọn mua mỗi dịp đến với phố Xuôi. Nhiều người còn mua giò gửi cho người thân đi nước ngoài ở Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản…
Ông Nguyễn Minh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Lôi cho biết: “Xã hiện có 5 hộ duy trì và phát triển nghề làm giò bì, tập trung ở khu vực phố Xuôi, thôn Thụy Lôi. Các hộ làm nghề đều tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm để làm ra sản phẩm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng”.
Chả gà Tiểu Quan, món ngon độc đáo ngày Tết
Không ai còn nhớ nguồn gốc, sự ra đời của món chả gà ở thôn Tiểu Quan, xã Phùng Hưng (Khoái Châu) có từ bao giờ. Nhưng cứ vào Tết cổ truyền hay các dịp xum họp gia đình, tiếp khách,… thì chả gà là món ăn không thể thiếu.
Thôn Tiểu Quan hiện có khoảng 10 hộ làm chả gà. Điểm đặc biệt tại các hộ này là không sản xuất đại trà để cung cấp ra thị trường mà chỉ làm khi có khách đặt. Từ 15 tháng Chạp âm lịch là thời điểm các hộ sản xuất chả gà nơi đây bước vào vụ Tết.
Để có được món chả gà thơm ngon, người chế biến phải kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Thịt để làm chả tốt nhất phải là loại gà mái già, nặng khoảng 2,5 - 2,7 kg. Gà sau khi được làm sạch, lọc lấy phần thịt ở lườn và đùi, bỏ hết gân xương rồi thái miếng nhỏ, trộn với mỡ lợn đã luộc chín theo tỷ lệ nhất định rồi cho vào cối giã. Công đoạn này thường do nam giới phụ trách để bảo đảm thịt được giã đều và chắc tay. Khi thịt gần nhuyễn thì trộn thêm lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, hạt tiêu, mì chính, nước hành tím và nước gừng rồi giã tiếp đến khi đạt độ mịn.
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông Đỗ Văn Chính, hộ làm chả gà có tiếng ở thôn Tiểu Quan cung cấp ra thị trường khoảng 200 phên chả gà, trọng lượng từ 1 – 1,2 kg/phên. Để làm ra những chiếc chả gà thơm ngon, ông Chính bật mí: “Để chả gà đạt chuẩn, dậy mùi, gia đình tôi phải nướng hai lần lửa. Lần thứ nhất khoảng 5 giờ, hôm sau nướng lại. Miếng chả thành phẩm màu vàng óng, có độ kết dính, không bị nứt, thơm ngậy...".
Hiện nay, giá một phên chả gà dao động từ 1,2 – 1,5 triệu đồng. Không chỉ làm phong phú, đa dạng nền ẩm thực địa phương, chả gà Tiểu Quan ngày càng được được nhiều thực khách ở các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng… yêu thích.
Gà Đông Tảo – đặc sản “tiến Vua”
Cứ mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán, không chỉ người tiêu dùng trong tỉnh mà nhiều khách hàng từ khắp các nơi trong cả nước lại về Hưng Yên để tìm mua gà Đông Tảo làm quà đón Tết. Những chú gà với thân hình to lớn và cặp chân “khổng lồ” từ lâu đã trở thành đặc sản của tỉnh mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Gà Đông Tảo “khủng” của gia đình chị Giang Thị Hường
Tại xã Đông Tảo (Khoái Châu), “thủ phủ” của giống gà “tiến Vua” quý hiếm vào những ngày giáp Tết, khách đến tìm mua ngày càng nhộn nhịp. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đông Tảo cho biết: Toàn xã hiện có trên 1.000 hộ chăn nuôi gà Đông Tảo. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, cả xã sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 2.500 con gà làm quà biếu và gà thương phẩm. Hiện, gà thịt có giá bán từ 180.000 – 300.000 đồng/kg. Đối với những con gà đẹp, chân to, dùng làm quà biếu, tặng, giá dao động từ 1,5 - 10 triệu đồng/con.
Theo tìm hiểu, để có được những con gà chân “khủng”, mỗi chủ trại lại có một bí kíp riêng. Chị Giang Thị Hường, một hộ nuôi gà quy mô lớn của xã cho biết: “Trước tiên phải chọn được gà Đông Tảo bố mẹ thuần chủng, mã đẹp và có sức khỏe tốt. Trong số hàng trăm con giống chỉ chọn nuôi được được khoảng 10 - 20% con gà chân to. Đó là những con có hình dáng thanh thoát, đầu to, chân đỏ, tròn, mình nở, mào xít... Để thịt gà thơm ngon, ngọt và dai thì thức ăn chủ yếu của gà phải là thóc, ngô trộn rau đan xen từng thời kỳ. Đặc biệt, gia đình tôi cho gà ăn thêm hạt vừng để gà thơm thịt hơn...”.
Về Văn Giang thưởng thức đặc sản bánh tẻ
Huyện Văn Giang không chỉ nổi tiếng với những vườn hoa, cây cảnh khoe sắc, ngát hương mà còn được biết đến với nghề làm bánh tẻ (hay còn gọi là bánh răng bừa) truyền thống - thứ đặc sản mà ai một lần thưởng thức đều phải tấm tắc khen.
Thợ gói bánh tại cơ sở bánh tẻ Hạnh Huynh thị trấn Văn Giang
Để hiểu rõ hơn về các công đoạn làm ra những chiếc bánh tẻ, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất gia truyền Hạnh Huynh ở thôn Công Luận 1, thị trấn Văn Giang. Từ 25 tháng Chạp, cơ sở vào vụ cao điểm sản xuất phục vụ Tết, mỗi ngày cung cấp trung bình 10 nghìn chiếc bánh ra thị trường.
Bánh tẻ được làm từ những nguyên liệu giản đơn, đậm chất quê như: Lá dong, gạo, thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương, đậu xanh. Chị Vũ Hồng Hạnh, chủ cơ sở cho biết: Để làm ra một chiếc bánh tẻ ngon trải qua khá nhiều công đoạn. Gạo tẻ ngon ngâm 3 – 4 tiếng rồi xay nhuyễn với nước vôi trong thành bột nước rồi đun dưới ngọn lửa liu riu đến khi bột quánh dẻo. Khi gói bánh phải sử dụng lá dong bánh tẻ để bánh không bị rách và khi luộc chín sẽ thơm và có màu xanh lá đặc trưng. Khi gói phải khéo léo sao cho bánh được đều nhau, nhân bánh không lộ ra khỏi vỏ bột và đạt “tiêu chuẩn” hai đầu nhỏ ở giữa phình ra giống với chiếc răng bừa…
Để đáp ứng nhu cầu thực khách, người làm bánh tẻ ở Văn Giang đã tạo ra 2 loại nhân bánh: Loại thứ nhất là nhân thịt mặn gồm mộc nhĩ, nấm hương, hành khô và thịt lợn băm nhỏ trộn với gia vị rồi xào chín; loại thứ hai là nhân đỗ xanh hạt tiêu.
Từ những nguyên liệu bình dị của làng quê, nhờ sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của người thợ đã tạo nên những chiếc bánh tẻ dẻo thơm, béo ngậy, thưởng thức cùng nước mắm ớt hoặc tương ớt thì ngon vô cùng. Nếu có dịp đến với Văn Giang ngày Tết, hãy đắm mình trong sắc thắm của những vườn hoa và thưởng thức món bánh tẻ, một món đặc sản đậm vị đồng quê.